Long Phú tiếp đoàn nhà báo đến tìm hiểu, nghiên cứu các giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
Long Phú là huyện có địa hình tương đối bằng phẳng, bị chia cắt bởi hệ thống các sông rạch và kênh mương thủy lợi. Hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện nằm trong 02 vùng Dự án : Vùng Dự án thủy lợi Kế Sách và vùng Dự án thủy lợi Long Phú – tiếp Nhựt. Vùng Dự án thủy lợi Kế Sách được quy hoạch ngọt hóa để sản xuất nông nghiệp theo hệ sinh thái ngọt, chủ yếu là trồng 2 – 3 vụ lúa trong năm và một số cây trồng vật nuôi khác theo hệ sinh thái nước ngọt. Dự án thủy lợi Kế Sách được đầu tư khá nhiều vào các công trình đầu mối, tạo nguồn, có điều kiện thuận lợi về nguồn nước ngọt để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, phía Nam của vùng Dự án vẫn còn bị nhiễm mặn vào các tháng mùa khô, mùa lũ thường hay bị ngập úng, chưa chủ động tưới tiêu ở các xã : Trường Khánh, Song Phụng … Khả năng phòng, chống triều cường, nước dâng của hệ thống công trình thủy lợi còn nhiều hạn chế.
Chú thích ảnh: Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện tiếp Đoàn nhà báo.
Vùng Dự án thủy lợi Long Phú – Tiếp Nhựt được quy hoạch ngọt hóa để sản xuất nông nghiệp theo hệ sinh thái ngọt, Dự án này được đầu tư khép kín các công trình đầu mối, ngăn được mặn và tạo nguồn trên các tuyến chính. Tuy nhiên vào khoảng từ tháng 01 – 05 hàng năm mặn lên cao vượt qua trạm Đại Ngãi (độ mặn đo được từ 5 – 10%0) Do đó, toàn bộ Dự án nằm trong vùng bị ảnh hưởng, nhất là ở các cửa lấy nước vào, cho nên dù đã khép kính, ngăn mặn, nhưng sản xuất trong vụ Xuân hè là không an toàn về nguồn nước do mặn lên cao và thiếu nước ngọt ở cuối nguồn Sông Hậu.
Trong những năm gần đây, tình hình hạn mặn luôn diễn biến rất phức tạp, mặn xâm nhập sớm và sâu vào nội đồng, đặc biệt là vào mùa khô năm 2016, do tác động của thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, huyện Long Phú có trên 70% vụ lúa Xuân hè bị thiệt hại, với diện tích trên 4.778 ha, với 4.375 hộ dân bị thiệt hại, nhà nước hỗ trợ với số tiền trên 07 tỷ 847 triệu đồng.
Nhằm có giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, huyện Long Phú xây dựng kế hoạch tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân về phòng, chống hạn, xâm nhập mặn và có trách nhiệm tham gia thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp và thiếu nước sinh hoạt, tuyên truyền đầy đủ thông tin, dự báo hạn, mặn, chủ động phòng, chống, thực hiện các giải pháp sử dụng tiết kiệm điện, nước trong sản xuất. Mở các lớp tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện Đề án phát triển lúa, Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), Dự án phát triển cây ăn trái đặc sản, Dự án phát triển chăn nuôi bò thịt. Bố trí, điều chỉnh lại cơ cấu mùa vụ, chỉ canh tác lúa 02 vụ trong năm, sử dụng các loại giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao, các giống lúa chịu mặn, phèn cho những vùng khó khăn về nước tưới và bị xâm nhập mặn, đầu tư xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả trong những tháng nắng nóng, khô hạn. Đầu tư kinh phí 49 tỷ 360 triệu đồng thực hiện nạo vét trên 276 km kênh thủy lợi, vận động nhân dân nạo vét 226 km kênh nội đồng, có khối lượng đào đắp trên 363.750 m3, kinh phí trên 09 tỷ 700 triệu đồng, công tác thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Xây dựng và hoàn chỉnh các hệ thống cống, đập, ngăn mặn và trữ nước ngọt, phục vụ sản xuất của người dân.
Đoàn nhà báo đã đặt nhiều câu hỏi, trao đổi về kinh nghiệm trong công tác phòng, chống thiên tai, nhất là xâm nhập mặn, do biến đổi khí hậu, Đoàn công tác đã rất tâm đắc với công tác chủ động phòng, chống cũng như biện pháp đối phó với thiên tai của các cơ quan chức năng, nhất là đáp ứng được nhu cầu cho người dân khi bị ảnh hưởng, đảm bảo được cuộc sống ổn định, an tâm lao động sản xuất, tăng thêm thu nhập trong mùa nắng nóng, khô hạn, đảm bảo tình hình an ninh, chính trị trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Thực hiện: Sóc Ca.